Tin tức Nghiên cứu phát triển
Góp ý cho Chiến lược Quốc gia về CNTT

Để xây dựng được Chiến lược Quốc gia một cách đầy đủ nhất thì chúng ta cần trả lời cho 3 vấn đề chính. Năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) đã có chỉ thị về việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về CNTT-TT giai đoạn sau 2010 và chiến lược này còn được gọi là "Chiến lược Cất cánh". Nhiệm vụ này được giao cho Viện Chiến lược về BCVT&CNTT (nay là Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông) để triển khai. Nay theo đề xuất của GS. Đỗ Trung Tá: "Chiến lược Cất cánh" sẽ được xây dựng theo định hướng nhằm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong thời gian sớm nhất. Vậy điều gì sẽ đến trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến cho Chiến lược này?

Để xây dựng được Chiến lược Quốc gia một cách đầy đủ nhất thì chúng ta cần trả lời cho 3 gạch đầu dòng chính:

IT for All.

IT for Minimum.

IT to All.

Để cụ thể hoá cho 3 gạch đầu dòng này, xin mạo muội có mấy lời giải thích ngắn gọn về nó như sau:

IT for All: Như GS. Đỗ Trung Tá từng nói: "CNTT không chỉ là ngành khoa học mũi nhọn của riêng nó mà mọi lĩnh vực khoa học khác đều cần đến CNTT để làm công cụ phát triển". Như vậy, gạch đầu dòng thứ nhất "IT for All" hoàn toàn phù hợp với quan điểm đó. Tuy nhiên, CNTT cần phải được đặt trong tổng thể KHCN và kinh tế của đất nước và cần coi nó là động lực cho sự phát triển chung. Tuy nhiên, theo tư duy mang tính triết học thì "ý thức xã hội thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội". Do vậy, để thực hiện được việc ứng dụng CNTT vào một lĩnh vực nào đó thì trước hết là sự vận động mang tính nội tại của chính nó và mọi sự áp đặt là không dễ thực hiện.

IT for Minimum: Đó chính là việc phải trả lời cho câu hỏi về đòi hỏi tối thiểu cho sự phát triển CNTT của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Cũng xin nhắc lại rằng giống như nhiều quốc gia khác, khi máy tính cá nhân ra đời thì công việc đầu tiên mà Việt Nam đã phải làm là đưa được chữ quốc ngữ tiếng Việt vào máy tính. Rất tiếc, đây là một định hướng không rõ ràng và chưa được sự hưởng ứng tham gia của ngành ngôn ngữ học. Có lẽ khác với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ... vì Việt Nam sử dụng chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh nên chỉ cần đưa được chữ quốc ngữ vào máy tính thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Chiến lược Quốc gia về CNTT-TT giai đoạn 2005-2010 đã thiếu sót vấn đề này và nguyên nhân vì đây là "bóng tối dưới chân cột đèn" nên đã không được ai nhìn vào. Đó là định hướng mà một lần nữa chúng ta không được bỏ quên và cũng xin nhắc lại quan điểm của GS. Ngô Thanh Nhàn - một Việt kiều ở Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này: "Chúng ta không thể trông chờ Microsoft hay Mac OS và Việt Nam cũng không thể bản địa hoá tự do trên nền hệ điều hành sở hữu của họ. Việc này không thể có công ty tư nhân, cá nhân, nước ngoài hay thị trường tự do nào làm được ngoài Chính phủ".

IT to All: Đây là góc độ xã hội học với sự phát triển, phổ biến của CNTT tác động đến đời sống xã hội. Để trả lời cho câu hỏi này, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo Chiến lược và bản thân những người làm việc trong ngành CNTT cần phải thay đổi quan điểm của mình nhằm khắc phục tiềm thức xã hội đang coi CNTT là công việc nội bộ của các chuyên gia tin học. Cần phải mời cả các chuyên gia xã hội học, y tế, tâm lý học... và thậm chí cả văn học nghệ thuật nhập cuộc và làm thế nào để họ thấy đó là công việc tất yếu có trách nhiệm phải tham gia. Thời đại CNTT mà chúng ta đang sống sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp mang tính xã hội và chắc rằng sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực cho chuyện đó.

Rõ ràng, tất cả những gì cần phải làm để xây dựng Chiến lược Quốc gia về CNTT-TT cho giai đoạn sau 2010 là không hề đơn giản. Ứng dụng CNTT cho một lĩnh vực nào đó và nghiên cứu về tác động của CNTT tới đời sống xã hội là khoa học mang tính liên ngành. Tuy nhiên, theo GS. TS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam thì Khoa học liên ngành là vấn đề của nhận thức. Mà một khi nhận thức chưa thay đổi thì không thể ép được nhau bất cứ cái gì.

(nguồn: Viện chiến lược thông tin và truyền thông)

Các tin khác:
Hiện có 1 Khách online
Số lươt truy cập : 134562
Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Dịch Vụ Hạ Tầng Viễn Thông
Địa chỉ: Tầng 2 – Tòa nhà X2 – 70 Nguyên Hồng – Đống Đa – Hà Nội
Email: info@tdis.vn - Tel: 04. 3537 7708 – Fax: 04. 3537 7730
DESIGNED BY HAIDANG MEDIA