Tin tức Nghiên cứu phát triển
Viễn thông & Internet Việt Nam hướng tới năm 2010

 
Cạnh tranh và phát triển

Trong những năm qua, Viễn thông và Internet Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông và Internet nhanh trên thế giới. Các dịch vụ viễn thông và Internet được phổ cập rộng rãi tới miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Việt Nam đã hình thành thị trường cạnh tranh với 6 nhà cung cấp hạ tầng mạng và nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Tính đến đầu tháng 12/2005, bốn nhà khai thác viễn thông di động đang chia sẻ thị phần là VinaPhone 43%, MobiFone 34%, Viettel 18% và S-Fone 5%. Dịch vụ truy nhập Internet có mức cạnh tranh cao hơn với VNPT chiếm 48% thị phần, tiếp sau là: FPT 29%, Viettel 11%, SPT (5%), Netnam 4,7%. Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần không đáng kể.

Môi trường cạnh tranh đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp như vấn đề kết nối, quản lý và phân bổ tài nguyên viễn thông, giá cước, chất lượng dịch vụ...

Do xuất phát điểm và tổng sản phẩm quốc dân trên đầu người thấp nên mặc dù tốc độ phát triển dịch vụ viễn thông, Internet khá cao, Việt Nam vẫn có quy mô phát triển thấp hơn so với mức bình quân của khu vực về mật độ điện thoại và tỷ lệ người sử dụng Internet.

2010 - những xu hướng

Trong tương lai, chiếc máy điện thoại sẽ tích hợp nhiều tính năng mới, trở thành "máy thông tin số", được dùng như chứng minh thư, thẻ tín dụng, vé máy bay, là ví tiền điện tử, thanh toán, quản lý truy nhập, mua hàng hay làm chiếc chìa khoá nhà hoặc thiết bị xem phim, nghe nhạc... Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà cung cấp sẽ phát triển dịch vụ viễn thông theo hướng hội tụ giữa dịch vụ di động với cố định và cá nhân hóa với cơ chế cung cấp dịch vụ một cửa - một số nhận dạng - tính cước đơn giản.

Các dịch vụ mới phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ viễn thông, CNTT, PTTH và xu hướng hội tụ giữa cố định với di động như Internet băng rộng, thông tin di động thế hệ mới, dịch vụ giá trị gia tăng... sẽ được phát triển mạnh.

Xu hướng phát triển mạng viễn thông sẽ là tích hợp giữa mạng điện thoại (PSTN) với mạng truyền số liệu hiện nay trên một nền tảng chung là mạng thế hệ mới (NGN), sử dụng giao thức IP. Mạng cáp quang sẽ được xây dựng đến tất cả các huyện, mạng truy nhập vô tuyến băng rộng và cáp quang sẽ được triển khai đến nhiều xã. Ở các khu đô thị, cáp quang sẽ được kéo tới các tòa nhà và khu dân cư. Mạng ĐTDĐ sẽ phủ sóng tới hầu hết các xã thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Mạng ngoại vi tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao tỷ lệ cáp ngầm và sử dụng công nghệ truy nhập vô tuyến để cải thiện chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị.

Dự báo, tổng doanh thu từ dịch vụ viễn thông và Internet Việt Nam sẽ đạt khoảng 55.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp viễn thông và Internet sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để cùng hợp tác và phát triển trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Đến năm 2010, thị phần của các doanh nghiệp mới (ngoài VNPT) đạt tỷ lệ 40-50%.

Giải pháp

Để ngành viễn thông và Internet Việt Nam phát triển phù hợp với xu hướng thị trường, công nghệ, dịch vụ của viễn thông thế giới và đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu cụ thể của Việt Nam, từ nay đến 2010, các giải pháp sau đây cần được triển khai thực hiện:

  • Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về viễn thông và Internet. Bộ máy quản lý nhà nước về viễn thông và Internet cần được tăng cường để đảm bảo nguyên tắc "Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển".
  • Xây dựng cơ chế chính sách và thực thi pháp luật để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Số lượng doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin di động cần được quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn, duy trì, mở rộng kinh doanh, tránh đầu tư chồng chéo và sử dụng có hiệu quả tài nguyên viễn thông và nguồn lực quốc gia. Các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet. Các doanh nghiệp bán lại dịch vụ, cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị, dịch vụ truy nhập và ứng dụng trên Internet cần được khuyến khích phát triển mạnh.
  • Hệ thống phí, lệ phí cấp phép, sử dụng tài nguyên viễn thông và Internet (tần số, kho số, tên miền, địa chỉ...) cần được đổi mới theo nguyên tắc: bảo đảm hiệu quả sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí và không làm tăng chi phí kinh doanh quá mức cho các doanh nghiệp. Để đảm bảo dung lượng kết nối mạng giữa các doanh nghiệp, cần có cơ chế đặc thù về đầu tư, đấu thầu trong các trường hợp khẩn cấp.
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo đảm yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hình thành tập đoàn và các tổng công ty viễn thông mạnh, có trình độ công nghệ và quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao, kinh doanh đa ngành nhưng tập trung chủ yếu vào kinh doanh viễn thông và Internet. Các doanh nghiệp viễn thông và Internet được tự chủ trong kinh doanh, thực hiện hạch toán độc lập, tiến tới xóa bỏ cơ chế bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông và Internet. Từng bước bóc tách việc thực hiện nhiệm vụ công ích và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở điều chỉnh cước kết nối và triển khai Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Các hình thức đầu tư nước ngoài cần được tiếp tục thu hút cho phát triển viễn thông và Internet...
  • Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010 cần được nhanh chóng triển khai.

(Nguồn: bài viết của Viện phó NIICS - TS. Nguyễn Thành Phúc)

Các tin khác:
Hiện có 1 Khách online
Số lươt truy cập : 134304
Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Dịch Vụ Hạ Tầng Viễn Thông
Địa chỉ: Tầng 2 – Tòa nhà X2 – 70 Nguyên Hồng – Đống Đa – Hà Nội
Email: info@tdis.vn - Tel: 04. 3537 7708 – Fax: 04. 3537 7730
DESIGNED BY HAIDANG MEDIA