Tin tức Nghiên cứu phát triển
Sự phát triển của BCVT&CNTT về việc tham gia WTO

Việc nước ta chính thức tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 7/11/2006 đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kiện này sẽ đem lại những tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Ngành Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin (BCVT&CNTT) là ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, động lực quan trọng cho phát triển nhưng cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất của những cơ hội và thách thức từ việc tham gia WTO.
 

Vai trò của BCVT&CNTT trong hội nhập được thể hiện rõ nét trong quá trình đàm phán kiên trì, gay go và phức tạp để gia nhập WTO thời gian qua. Theo đó, BCVT&CNTT, đặc biệt là dịch vụ viễn thông luôn là vấn đề nhạy cảm, luôn phải chịu những sức ép nặng nề về tự do hóa hoàn toàn thị trường do đối tác đưa ra trong đàm phán. Vì lợi ích quốc gia, các cam kết mở cửa thị trường BCVT&CNTT luôn được cân nhắc rất thận trọng.

Do tiềm lực vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt và bị mất các mảng thị trường tiềm năng là không nhỏ. Lĩnh vực dịch vụ viễn thông và chuyển phát nhanh là một trong những lĩnh vực chịu nhiều sức ép mở cửa mạnh nhất trong đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.Tuy nhiên vì BCVT&CNTT là mối ưu tiên cao của nhiều thành viên WTO, Việt Nam cũng đã tiên liệu một số đánh đổi phù hợp.

Thứ nhất, về cam kết mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông, chúng ta đã có một số nhân nhượng phù hợp về mở cửa thị trường theo yêu cầu của các thành viên WTO trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng và trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ qua biên giới (dịch vụ viễn thông quốc tế) để đổi lấy việc bảo lưu hạn chế "nước ngoài phải liên doanh với đối tác Việt Nam đã được cấp phép" và bảo lưu hạn chế "mức vốn góp nước ngoài tối đa là 49% trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản có hạ tầng mạng". Những nhân nhượng về dịch vụ vệ tinh và dịch vụ cáp quang biển cung cấp qua biên giới chỉ dừng ở việc cho phép phía nước ngoài được sở hữu toàn phần dung lượng thuộc hệ thống truyền dẫn không nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam vẫn bảo lưu được quyền kiểm soát Nhà nước đối với hạ tầng mạng viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam và qua đó giữ được quyền kiểm soát nhất định đối với thị trường dịch vụ, an ninh thông tin và phòng chống khủng bố. Việt Nam chưa cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông. Các công ty nước ngoài vẫn phải hợp tác với các công ty trong nước để cung cấp dịch vụ.

Xét chung cả khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng thì cân bằng mặt lợi và mặt hại của việc chấp nhận một số nhân nhượng trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông là một cân bằng động. Sự cân bằng này hoàn toàn phụ thuộc vào các công cụ và năng lực quản lý của nhà nước, phụ thuộc vào tiềm lực, sự năng động và quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc đổi mới tổ chức, sản xuất - kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh.

Khả năng kiểm soát thị trường viễn thông sau gia nhập cũng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của Tập đoàn chủ lực Bưu chính Viễn thông VNPT. Trong thời gian tới, VNPT sẽ phải là công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết thị trường viễn thông có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các cơ chế chính sách viễn thông của Nhà nước cần nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp mới có cơ sở hạ tầng viễn thông vươn nhanh chiếm lĩnh và mở rộng thị trường để các nhân nhượng gia nhập WTO của ta chỉ là sự cảnh báo sớm mà không tạo ra các rủi ro bất khả kháng cho các doanh nghiệp.

Khả năng kiểm soát thị trường viễn thông phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông. Tham gia WTO là tham gia vào cuộc cạnh tranh tầm cỡ quốc tế. Nếu biết hợp tác phát triển, phát huy tốt tinh thần tự lực tự cường, các doanh nghiệp viễn thông vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển mà vẫn giữ được vai trò kiểm soát, qua đó Nhà nước vẫn duy trì được khả năng điều tiết.

Sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ BCVT, sự phối hợp tốt của các Bộ liên quan đến quản lý đầu tư nước ngoài trong vấn đề cấp phép cho các dự án đầu tư cũng sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của việc buộc phải tiếp tục cải thiện cam kết quốc tế về dịch vụ viễn thông. Để đảm bảo đứng vững và phát triển được sau khi gia nhập WTO, một số chủ trương phát triển thị trường viễn thông giai đoạn trước mắt cũng rất cần được xem xét là:

- Hợp lý hoá, cơ cấu lại thị trường kinh doanh hạ tầng mạng đường dài trong nước và quốc tế: theo kinh nghiệm quốc tế, so với quy mô thị trường và tiềm lực tài chính trong nước, số lượng doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng hiện tại đã là khá nhiều, dễ dẫn tới việc phân tán nguồn lực, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Lộ trình thích hợp cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông quan trọng: hiện nay, nước ngoài rất quan tâm đến việc mua cổ phần các doanh nghiệp viễn thông và tiếp đến các tập đoàn viễn thông lớn nước ngoài sẽ dần trở thành các nhà đầu tư chiến lược. Do Việt Nam đã cam kết bãi bỏ hạn chế 30% cổ phần nước ngoài, trừ lĩnh vực ngân hàng, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông cần có tốc độ và giải pháp tương thích sao cho vừa đạt hiệu quả cao cho các doanh nghiệp cổ phần, vừa không hạn chế dòng đầu tư trực tiếp.

Thứ 2, về cam kết mở cửa thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh, chúng ta đã chính thức hoá việc mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài và đưa ra lộ trình phù hợp tiến tới không hạn chế vốn nước ngoài. Các công ty chuyển phát hàng đầu nước ngoài, thực chất chỉ có một vài tập đoàn đa quốc gia (và hầu hết đã có mặt tại Việt Nam) với thương hiệu và năng lực kỹ thuật vượt trội sẽ tiếp tục chiếm ưu thế ở thị trường chuyển phát nhanh quốc tế và mảng thị trường chất lượng cao, khách hàng chính của họ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các công ty Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển ở thị trường chuyển phát trong nước hoặc đại lý quốc tế và mảng thị trường chất lượng trung bình, khách hàng đại chúng.

Phù hợp với định hướng xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, Việt Nam cũng đã cam kết không phân biệt đối xử giữa các dịch vụ chuyển phát nhanh và các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, kể cả Bưu chính Việt Nam, đối với các loại hình dịch vụ chuyển phát nhanh đã cho phép cạnh tranh. Theo cam kết này, Bưu chính VN khi cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh đã mở cho cạnh tranh không được phép sử dụng những ưu đãi, đặc quyền vốn chỉ dành riêng cho cung cấp dịch vụ Bưu chính. Nói cách khác, các công ty chuyển phát nhanh thành viên của Tập đoàn VNPT sẽ phải độc lập về mặt tổ chức sản xuất kinh doanh và hạch toán.

Thứ 3, về cam kết mở cửa thị trường dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan (có thể tạm hiểu là dịch vụ phần mềm và dịch vụ ứng dụng CNTT): Việt Nam đã có cam kết mở cửa thị trường từ năm 2001 với việc ký kết BTA VN-HK, đã xoá bỏ hầu hết các hạn chế tiếp cận thị trường và cho phép công ty 100% vốn Mỹ hoạt động. Trong đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam tiếp tục cam kết cải thiện thêm môi trường đầu tư trực tiếp.

Thứ 4, về cam kết mở cửa thị trường sản phẩm CNTT, Việt Nam đã phải cam kết lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với khoảng 300 mặt hàng thuộc danh mục Hiệp định sản phẩm CNTT nhiều bên (ITA). Mức thuế hiện hành phổ biến đối với sản phẩm CNTT dao động quanh 10%. Lộ trình giảm thuế về 0% đối với đa số các mặt hàng CNTT mang tính phổ cập như máy tính, các thiết bị ngoại vi, linh phụ kiện chính là 5 năm, đối với một số mặt hàng mà ta còn cần bảo hộ để phát triển công nghiệp nội địa như điện thoại, cáp điện thoại là 7 năm. Như vậy, sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm CNTT trong nước khi lộ trình giảm thuế hoàn tất là rất lớn.

Bên cạnh đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông, chuyển phát nhanh, dịch vụ và sản phẩm CNTT, chúng ta cũng đã đàm phán và cam kết thực hiện các luật lệ, quy tắc thương mại chung của WTO. Những cam kết này sẽ tác động đến tổ chức, cơ chế, môi trường hoạt động chung của cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp BCVT&CNTT. Trong đó, đặc biệt là các vấn đề về thực thi hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại (TRIPS), minh bạch hoá chính sách, xoá bỏ phân biệt đối xử, xoá bỏ các biện pháp mang tính bảo hộ và trợ cấp đối với doanh nghiệp...

Tóm lại, gia nhập WTO mới chỉ là sự khởi đầu cho hành trình hội nhập nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của toàn cầu hoá để phát triển đất nước. Với kinh nghiệm của một ngành đã sớm hiện đại hoá, hội nhập và hợp tác quốc tế thành công từ gần 20 năm qua, BCVT&CNTT Việt Nam chủ động và tự tin bước vào chặng đường mới. Để tiếp tục thành công trong chặng đường mới này, toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo cần phải:

- Đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong nhận thức, tư duy và hành động;

- Chủ động hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút và động viên các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành; đề ra các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, phát huy lợi thế nhằm tiếp tục phát triển mạnh trong môi trường có cạnh tranh nước ngoài và bước ra được thị trường khu vực và thế giới;

- Tích cực hội nhập, liên doanh liên kết quốc tế nhằm không ngừng thu hẹp trình độ phát triển với khu vực và thế giới, thu hẹp khoảng cách số;

- Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của BCVT&CNTT phục vụ phát triển, xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;

- Đảm bảo an ninh thông tin, an toàn mạng lưới và lợi ích quốc gia.

Với tinh thần tích cực tấn công trong giai đoạn là thành viên WTO và với quyết tâm hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong cộng đồng APEC, ngành BCVT& CNTT Việt Nam mong muốn có sự ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện thành công phương châm chỉ đạo trong thời kỳ mới là:

"Lấy thách thức làm động lực
Lấy cơ hội để tăng trưởng
Lấy nội lực phát huy ngoại lực
Lấy nhanh thắng chậm".

Phát huy truyền thống cách mạng của Ngành, chúng ta có thể tin tưởng rằng, BCVT và CNTT Việt Nam sẽ đạt trình độ bình quân của các nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

(Nguồn: bài viết của  Bộ Trưởng  Đỗ Trung Tá)

Các tin khác:
Hiện có 2 Khách online
Số lươt truy cập : 144614
Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Dịch Vụ Hạ Tầng Viễn Thông
Địa chỉ: Tầng 2 – Tòa nhà X2 – 70 Nguyên Hồng – Đống Đa – Hà Nội
Email: info@tdis.vn - Tel: 04. 3537 7708 – Fax: 04. 3537 7730
DESIGNED BY HAIDANG MEDIA