Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập viễn thông và Interrnet của Việt Nam, ngành công nghệ thông tin đã đi được một bước tiến quan trọng. Song, bên cạnh đó vẫn còn những nỗi lo phát triển không bền vững.
Tại cuộc tọa đàm “Mười năm thực hiện Chỉ thị 58 về phổ cập viễn thông và Interrnet của Việt Nam – những kinh nghiệm và bài học” do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức ngày 27/10, các chuyên gia cho rằng, Chỉ thị này chính là động lực đẩy ngành viễn thông - công nghệ thông tin ở Việt Nam lên một tầm cao mới.
Từ xa xỉ tới bình dân
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, người đã đóng góp nhiều công sức vào Chỉ thị 58 nhớ lại, ngay từ năm 1997, khi Việt Nam chính thức tham gia mạng Internet toàn cầu, Tổng Cục Bưu điện khi đó đã cấp bốn giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet, manh nha mở cửa thị trường viễn thông.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do lo ngại an toàn, an ninh thông tin và các yếu tố khách quan, thị trường viễn thông dường như vẫn dẫm chân tại chỗ. Phải đến khi Chỉ thị 58 ra đời, thị trường viễn thông, Internet mới chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.
Ở thời điểm năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có cạnh tranh bởi VNPT là doanh nghiệp chiếm thị phần hầu hết các dịch vụ viễn thông.
Lại nữa, ở thời điểm đó, giá thành sử dụng viễn thông rất cao. Điện thoại di động chia ba vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đ/phút, liên vùng là 6.000 đ/phút, cách vùng là 8.000đ/phút. Bởi thế, số thuê bao điện thoại di động khi đó chỉ ở mức 0,3 triệu và tổng số thuê bao trên toàn quốc cũng chỉ có 3,5 triệu.
Trong 10 năm qua, với việc mở cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp như Viettel, EVN Telecom, FPT Telecom… đã gia nhập thị trường này, khiến tốc độ tăng trưởng được đẩy nhanh.
Nhận định của Ban tổ chức buổi tọa đàm cho thấy, mức giá cước viễn thông Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực (tính trung bình vào khoảng 900 đồng/phút).
Việc giảm cước trên đã giúp người dân tiếp cận với công nghệ được nhiều hơn. Hiện, điện thoại di động đã có thể “theo dân cày.” Tổng số thuê bao điện thoại đạt 156,1 triệu (di động chiếm 90,32%), mật độ đạt 180,7 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 29,24%. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt 3,38 triệu thuê bao, đạt mật độ 3,95%...
Dấu hiệu không bền vững
Tuy phát triển vượt bậc, song hiện nay, thị trường viễn thông, Internet đang có dấu hiệu không bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng, dấu hiệu này thể hiện qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu giảm so với những năm trước.
Ngoài ra, vấn đề an toàn thông tin trên mạng lưới đã bộc lộ điểm yếu qua việc ngày càng có nhiều vụ phát tán virus, lừa đảo trên mạng.
Thêm vào đó, mặc dù dịch vụ đã được phổ cập đến vùng sâu, vùng xa nhưng sự chênh lệch thông tin giữa các vùng khó với đồng bằng còn khoảng cách. Đó là chưa kể đến những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khi thời gian qua, thị trường viễn thông đã chứng kiến nhiều tình huống bán phá giá, không cho chia sẻ cơ sở hạ tầng, khuyến mãi không đúng luật…
Do đó, ông Thắng cho rằng, mục tiêu 10 năm tới chính là sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả của thị trường viễn thông, Internet.
Tuy nhiên, để thị trường viễn thông phát triển bền vững trong thời gian tới, có lẽ ngoài những quyết sách của cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp viễn thông, Internet phải nghiêm túc nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra bài học kinh nghiệm để góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin.
Băng thông rộng di động thế chỗ Internet ADSL?
Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông nhận định Internet băng rộng ADSL đang ở giai đoạn thoái trào, nhường chỗ cho những công nghệ mới như cáp quang, 3G, 4G.
Ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay, vòng đời công nghệ ADSL đã sắp hết. Nối tiếp “sự nghiệp” của nó sẽ là các công nghệ mới như cáp quang, băng thông di động không dây.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, công nghệ băng rộng di động đang có những lợi thế hơn hẳn so với ADSL. Ông Hùng đưa ra ví dụ, để đầu tư cho một thuê bao băng rộng ADSL là 150-200 USD, trong khi đầu tư cho thuê bao băng rộng di dộng chỉ vào khoảng 50 USD. Do đó, độ phủ sóng của băng thông di động sẽ rộng hơn.
Thêm vào đó, việc mở rộng phổ cập dịch vụ là hệ thống bán hàng rộng khắp. Đây là điểm mà các nhà mạng 3G có lợi.
(Source: Vietnam+)