Tin tức Tin ngành
Mở rộng hợp tác quốc tế để tăng tốc CNTT-TT

Nhiệm vụ chính của hoạt động quan hệ quốc tế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT) thời gian tới là tập trung thực hiện đề án đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về CNTT-TT.

Trong những năm qua, ngành TT&TT đã huy động được nguồn lực quốc tế to lớn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đào tạo nguồn nhân lực để vượt qua hoàn cảnh bị bao vây cấm vận và mở cửa, hội nhập quốc tế thành công. Trong thời kỳ tăng tốc phát triển mạng lưới viễn thông những năm 1993-2000, hoạt động hợp tác quốc tế đã thu hút 2 tỷ USD đầu tư từ bên ngoài để phát triển hạ tầng và hình thành các doanh nghiệp liên doanh sản xuất tổng đài điện tử, viba, cáp đồng và cáp quang.

 

TT&TT là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA thông qua các hợp tác song phương, đa phương và khu vực. Đến nay, ngành TT&TT đã thu hút được hơn 578 triệu USD vốn ODA, trong đó có 88 triệu USD là viện trợ không hoàn lại từ các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EC) và các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đan Mạch... Một số dự án lớn trong lĩnh vực TT&TT sử dụng vốn ODA có thể kể tới như dự án phát triển CNTT-TT trị giá 87,8 triệu USD, dự án giáo dục sau đại học cho ngành CNTT trị giá 46 triệu USD, dự án Internet phục vụ cộng đồng sử dụng vốn vay của Nhật trị giá 29,8 triệu USD.

 

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT là tăng tốc độ phát triển để thực hiện "Đề án đưa Việt Nam sớm thành quốc gia mạnh về CNTT-TT". Đề án này đặt ra yêu cầu rất cao, đưa ngành CNTT-TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 8-10% vào GDP cả nước và đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn về xuất khẩu nhân lực CNTT ra thế giới.

 

Hợp tác quốc tế hỗ trợ tăng tốc

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TT&TT là ngành kinh tế nhọn của đất nước; những mục tiêu đặt ra trong "Đề án đưa Việt Nam sớm thành quốc gia mạnh về CNTT-TT" rất cao, đòi hỏi phải phát huy tối đa nội lực và hợp tác quốc tế toàn diện mới có thể đạt được.

 

Trong hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng nhắc nhở ngành TT&TT phải đảm bảo các nguyên tắc “hai bên cùng có lợi"; có nội dung và lộ trình hợp tác khả thi; khi triển khai phải làm quyết liệt, nếu lừng chừng có thể sẽ mất tín nhiệm nhất là trong giai đoạn đầu hai bên chưa tin tưởng nhau; chặt chẽ về pháp lý và có lối ra cho những tình huống xấu; xác định hợp tác của các doanh nghiệp trong tổng hoà hợp tác của Chính phủ.

 

Lấy ví dụ về hợp tác của Việt Nam với Samsung và Intel, Phó Thủ tướng đề nghị ngành TT&TT sớm biên soạn cẩm nang hợp tác quốc tế dành cho các doanh nghiệp, trong đó nêu những bài học thành công của các doanh nghiệp, để hợp tác quốc tế trở nên có bài bản. Theo Phó Thủ tướng, Intel mãi đến năm 2007 mới đặt yêu cầu chính phủ hỗ trợ đào tạo nhân lực. Ban đầu, chính phủ dự định chỉ định 4 trường đại học lớn đào tạo cho Intel nhưng không kịp vì nhà máy của Intel khai trương vào năm 2010. Vì vậy, chính phủ phải chọn giải pháp tình thế đưa một số sinh viên năm thứ nhất và thứ hai sang Mỹ học về vi mạch. "Nếu Intel nói sớm yêu cầu của mình, chúng ta sẽ có kế hoạch đáp ứng yêu cầu của họ kịp thời hơn", Phó Thủ tướng nói.

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh hoạt động hợp tác quốc tế của ngành TT&TT thời gian tới sẽ tập trung thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia vào đề án tăng tốc đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT và thu hút Việt kiều tham gia phát triển ngành, đặc biệt là công nghiệp CNTT – lĩnh vực theo Bộ trưởng "Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn vừa qua". Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đang nóng bỏng như game online, quản lý thuê bao di động trả trước, an toàn thông tin và truyền hình trả tiền cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

 

Đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài

 

Khác với các giai đoạn trước đây chỉ tập trung vượt qua cấm vận và hội nhập quốc tế, một điểm mới trong ngành TT&TT Việt Nam hiện nay là xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước.

 

Tập đoàn Viettel đã đầu tư xây mạng viễn thông ở Lào, Campuchia, Haiti và đang triển khai đầu tư ở Mozambique. Ngoài ra, tập đoàn này đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư vào thị trường viễn thông của nhiều nước khác với mục tiêu có mặt ở 10 quốc gia và lọt vào top 10 nhà đầu tư viễn thông hàng đầu thế giới. Việc đầu tư ra nước ngoài, theo ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel, không chỉ giúp tập đoàn này mở rộng thị trường, tăng uy tín thương hiệu mà còn giúp các tập đoàn trong những lĩnh vực khác của Việt Nam như Vinaconex tự tin hơn khi mở rộng thị trường sang các thị trường đó.

 

Tương tự Viettel, FPT đang mở rộng đầu tư sang Lào, Campuchia; còn VTC cũng đã có mặt ở hơn chục thị trường trong khu vực châu Á. VNG, “ông lớn” trong lĩnh vực phát hành game và dịch vụ nội dung số, cũng đang ấp ủ kế hoạch đầu tư ra nước ngoài theo chân VTC.

 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra nước ngoài suôn sẻ, ông Lê Đăng Dũng cho rằng Chính phủ nên có chính sách quốc gia về đầu tư ra nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp ví dụ như ưu tiên về thuế và hỗ trợ trong quan hệ hợp tác quốc tế với các nước. "Khi xúc tiến đầu tư viễn thông ở nước ngoài, nếu được Bộ TT&TT giới thiệu quan hệ với cơ quan phụ trách viễn thông các nước sẽ rất thuận lợi", ông Dũng nói.

 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành đầu tư ra nước ngoài được thuận lợi, trong đó có ưu đãi về thuế.

(Nguồn: ICTNews)

Các tin khác:
Hiện có 1 Khách online
Số lươt truy cập : 142097
Công ty CP Đầu Tư & Phát Triển Dịch Vụ Hạ Tầng Viễn Thông
Địa chỉ: Tầng 2 – Tòa nhà X2 – 70 Nguyên Hồng – Đống Đa – Hà Nội
Email: info@tdis.vn - Tel: 04. 3537 7708 – Fax: 04. 3537 7730
DESIGNED BY HAIDANG MEDIA